Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngoài ý nghĩa phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững còn góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Sau 13 năm thực hiện, Cuộc vận động đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn cho hàng Việt.
Phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc
Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc là những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử từng chứng minh rằng, trước mọi thử thách của dân tộc, nếu biết phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của nhân dân thì sẽ tạo thành nguồn sức mạnh vô địch đưa đất nước vượt qua mọi hiểm nguy, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Ngày nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong số các giải pháp đó là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp-hàng hoá. Bởi lẽ, thương hiệu hàng hoá, sức cạnh tranh của hàng hoá và cả nền kinh tế của một quốc gia xét đến cùng là sự hội tụ của tinh hoa, sức mạnh quốc gia, dân tộc đó. Không thể có một quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong khi sức cạnh tranh nền kinh tế của quốc gia đó lại thua kém nhiều so với các nước.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động theo Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ khuyến khuyến kích, vận động mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, cuộc vận động còn tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Kinh nghiệm từ một số nước có nền kinh tế phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đã từng có cuộc vận động ưu tiên dùng hàng nội địa, giúp các quốc gia này nhanh chóng vượt qua khó khăn về kinh tế. Hàn Quốc coi việc sử dụng hàng nội địa là một tiêu chí đánh giá phẩm chất đạo đức công chức, đạo đức của người lãnh đạo, quản lý.
Hàng Việt dần chiếm lĩnh thị trường nội địa
Sau hơn 10 năm kể từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai, đến nay phong trào đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn cho hàng Việt. Nhiều hàng hóa của Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng và người tiêu dùng Việt cũng đã hình thành văn hóa tiêu dùng các sản phẩm trong nước, từ đó góp phần tôn vinh các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo số liệu thống kê của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hàng Việt hiện nay chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%). Cụ thể, Co.opmart 90-93%, Satra 90-95%, Vissan 95%, Vinmart 90%, hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh (95%)… Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%. Cụ thể, Lotte 82% (theo doanh thu), Big C 96% (theo doanh thu), Aeon 80% (theo mã hàng), Mega Market 95% (theo mã hàng)… Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Cùng với việc làm thay đổi lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh, góp phần tạo nên những thương hiệu được nhiều người tiêu dùng yêu thích, như: nước mắm Phú Quốc, nho Ninh Thuận, chè Thái Nguyên, bưởi Diễn, sữa Vinamilk, TH Truemilk…
Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.
Để tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn tiếp theo, cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt; đồng thời đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử cả trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam.
Phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mỗi người Việt Nam hãy nâng cao nhận thức, tự hào về hàng Việt Nam, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt trong mua sắm công và hàng hoá, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh, thể hiện nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng.
Nguyễn Hiếu-Đài TT Phường 4